“Joker” Joaquin Phoenix: Khi “phượng hoàng” tái sinh DC ~ Dạy Nối Mi Hà Nôi

Thursday, October 10, 2019

“Joker” Joaquin Phoenix: Khi “phượng hoàng” tái sinh DC

Những năm gần đây, khi Marvel lên ngôi ở mảng phim điện ảnh, đánh đúng vào tâm lý mong đợi của khán giả với những bom tấn phòng vé đạt doanh thu tỷ đô thì thương hiệu truyện tranh DC dần trở nên lép vế. Đứng trước áp lực phải tạo nên dấu ấn riêng, DC tìm mọi cách biến các nhân vật truyện tranh được yêu thích thành phim chiếu rạp với hy vọng doanh thu cao. “Shazam!”, “Aquaman”, “Wonder Woman” là những bom tấn điện ảnh đầy khởi sắc, đánh dấu nỗ lực bắt kịp đối thủ sau một loạt phim không gặt hái được nhiều thành công. Tuy vậy những nhà sản xuất cũng nhận ra việc tái định hướng thương hiệu theo phong cách của Marvel sẽ không phải chiến lược lâu dài trong cuộc đua với đế chế điện ảnh tỷ đô này.

Là kẻ phản diện được yêu thích nhất của DC Comics, biểu tượng văn hoá đại chúng suốt 80 năm qua, “Joker” được kỳ vọng trở thành lá bài khác biệt để DCEU lật ngược thế cờ và tìm lại vị trí trong lòng khán giả. Đạo diễn bộ phim, Todd Phillips đã tự tin khẳng định: “Vũ trụ điện ảnh Marvel không thể làm được một phim như Joker”. Chiến thắng ở Liên hoan phim Venice hồi tháng 9 với giải thưởng “Sư Tử Vàng” cùng lời khen ngợi từ giới chuyên môn khiến người ta tin rằng phát ngôn của Todd Phillips không hề ngông cuồng và kiêu ngạo. Những xúc cảm quá mãnh liệt, táo bạo, điên rồ, dữ dội là những gì khán giả cảm nhận được trong suốt 2 tiếng thưởng thức để đến khi bước ra khỏi rạp, họ bàng hoàng khi thật sự phải thốt lên “Joker” là một trong những tuyệt tác điện ảnh xuất sắc nhất của năm.

Ngay từ đầu, “Joker” của Todd Phillips không hề được làm theo bất cứ một nguyên mẫu cụ thể nào của các siêu phẩm truyện tranh tiền nhiệm trước đây. Là một bộ phim độc lập, một phiên bản mới, “Joker” lần này ra rạp mang đến không khí và cảm xúc rất khác nhưng không phải vì thế mà hình tượng “Joker” trong phim trở nên xa rời nguyên mẫu trong truyện tranh.

“Joker” là một bộ phim thuần tâm lý với những quan niệm sâu sắc về nhân sinh. Lấy bối cảnh là thành phố giả tưởng Gotham u ám và hỗn loạn, “Joker” là câu chuyện về hành trình của một người đàn ông cô độc tên Arthur Fleck bị áp bức đến cùng cực, để rồi sau đó tái sinh trở thành gã tội phạm khét tiếng, hiện thân của cái ác, bạo lực, nhân tố vận động cả một thời đại mới. Không có cha, Arthur sống cùng người mẹ yếu đuối trong một căn hộ cũ nát. Ngày ngày, hắn trong bộ dạng một chú hề vật lộn kiếm sống trên phố và bị đám thanh niên bắt nạt, hành hạ về thể xác lẫn tinh thần. Không chỉ thế, Arthur luôn nhận những ánh nhìn khinh bỉ vì bộ dạng cũng như căn bệnh éo le cười không kiểm soát và bất ổn trong tâm lý mà mình mắc phải. Tuy vậy, Arthur vẫn có niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật. Hắn ước trở thành diễn viên hài độc thoại nổi tiếng để được đứng trên sân khấu và tạo nên tiếng cười cho những người xung quanh.

“Joker” cuốn người xem vào tiết tấu chậm và nặng nề đến mức ngột ngạt, u uất, khắc hoạ cực kỳ rõ nét về một Arthur vừa mang trong mình tổn thương bệnh lý, vừa phải chịu đựng những tổn thương tâm lý do sự tàn nhẫn, vô tâm của những người xung quanh. Lần lượt từng người reo rắc cho Arthur Fleck hy vọng nhưng rồi quay lưng một cách tàn nhẫn, một người đàn ông khát khao sống với ước mơ và kiếm ra tiền nuôi mẹ lại hết lần này đến lần khác bị xã hội đã xuống cấp trầm trọng, ruồng bỏ đến tuyệt vọng. Khi từng phần "con người" của hắn lần lượt bị cướp đi thì sự phẫn nộ lại được nuôi lớn dần, cho tới một điểm cực hạn ở cao trào. Người đàn ông Arthur bị cho là yếu đuối, chưa từng biết cách ra tay đánh trả lại dám cầm súng giết một lúc ba mạng người.

Cảm xúc của người xem được đẩy đến tận cùng khi chạm đến những tầng hỗn loạn, cay đắng ở cuộc đời của nhân vật rồi vỡ oà ở những trường đoạn cao trào. Một trong những phân cảnh đẹp nhất của phim chính là khoảnh khắc Arthur nhẹ nhàng lướt đôi giày trên sàn nhà tăm tối trong nhà vệ sinh công cộng, giang tay rộng ra nhìn ngắm khuôn mặt dính máu trước gương tràn đầy hân hoan. Trong sâu thẳm Arthur Fleck nhen nhóm sự thoã mãn đầu tiên cho cuộc đời u uất của mình. Phân cảnh mở đầu cho quá trình lột xác từ Arthur Fleck một tên hề yếu đuối thành “Hoàng tử tội phạm” của Gotham. Việc nổ súng giết 3 nhân viên trẻ có thể ví như vết rách đầu tiên của cái kén bao bọc lấy một Arthur Fleck với nhiều nỗi lo nghĩ. Điệu nhảy diễn tả sự rũ bỏ con người thực tại của chú sâu bướm Arthur trong cái kén, cố vươn mình để thoát ly.

Nhưng đó vẫn chưa phải tất cả. Cách kể chuyện cài cắm hồi tưởng xen kẽ những tình tiết thực ảo theo trạng thái tỉnh, mê đã khắc họa chân thực diễn biến tâm lý của Arthur Fleck trong cơn bĩ cực cũng như khi hắn thăng hoa nhất. Arthur vẫn nỗ lực tìm kiếm, trông chờ thứ gì đó ấm áp, đồng cảm từ tầng lớp thượng lưu, nhưng đổi lại chỉ có những lời sáo rỗng, đậm chất giáo điều và sự xem thường với cái tát trời giáng của kẻ luôn nói lời đạo đức Thomas Wayne. Niềm tin sụp đổ là lúc hắn nhận ra mình ảo tưởng thứ tình yêu lãng mạn với cô hàng xóm, là lúc người mẹ hắn yêu thương nhất không còn nữa. Chi tiết này có lẽ khiến người xem cảm thấy đau lòng nhất. Một kẻ phải bất hạnh đến thế nào thì mới ảo tưởng về cái điều lẽ ra ai làm người cũng có được. Đỉnh điểm là ước mơ nhỏ nhoi mang đến niềm vui cho người khác cũng bị chà đạp, lăng nhục bởi chính thần tượng của hắn. Người ta xem đó là sự giải trí không hơn, thậm chí là giải trí một cách độc địa trên nỗi đau của đồng loại.

Bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn của sự thờ ơ, sự độc ác, và cuối cùng là sự phản bội, Arthur bắt đầu nhận ra đến lòng tự trọng cuối cùng hắn cũng bị những kẻ đạo đức giả cướp mất. Lúc này hắn hiểu rằng không phải “lỗi của tôi” mà có lẽ “thế giới vốn đã điên cuồng như thế”, “tại sao bọn khốn các người đều lại thô lỗ thế?”. “Tôi từng nghĩ cuộc đời mình là một bi kịch. Nhưng giờ tôi nhận ra rằng đó là một vở hài kịch”. Câu thoại tóm tắt chuyến hành trình hắn chính thức dấn thân vào con đường trở thành tội phạm, gieo rắc nỗi sợ hãi khi xả súng bắn chết Murray trên sóng truyền hình với lời chất vấn “các người có bao giờ đặt mình vào thân phận chúng tôi mà đòi phán xét chúng tôi?”.

“Joker” không có nhiều hành động, không có siêu anh hùng, không có hiệu ứng hình ảnh hoành tráng, thế nhưng nó thực sự nghiệt ngã, ám ảnh tâm trí người xem về một sự thật trần trụi khi con người mất đi lẽ sống, họ đạp lên tất cả để thoả mãn cái phần đen tối nhất của họ. Những tràng cười khan với ẩn ý sâu xa được đan cài tinh tế xuyên suốt bộ phim. Ngay từ giây phút đầu phim, tiếng cười đau đớn của Joker xuất phát từ nỗi buồn, sự bất lực của những con người lao động nghèo, bị bóc lột, bị bắt nạt. Hắn không kiểm soát được tiếng cười của mình, ở đâu hắn cũng có thể cười, người ta đánh hắn túi bụi cũng không thể ngăn cản được hắn cười. Tiếng cười bật lên một cách phiền não đến đau đớn như khóc than đánh thức những xúc cảm tiềm ẩn nơi khán giả. Nó thương tâm đến mức khiến người xem thậm chí rơi nước mắt trong vô thức khi chứng kiến một mặt hoàn toàn khác sau lớp trang điểm lem luốc của gã hề Joker. Đỉnh cao của bi kịch chính là hài kịch khi tiếng cười phát triển cuối cùng là của “niềm vui đích thực”, tiếng cười cợt nhả đầy chế giễu khiến cho khán giả rợn người. Joker đã xoá nhoà hoàn toàn ranh giới thiện – ác. Những cảnh quay ở bậc thang với hình ảnh Joker nhảy múa cùng gương mặt rạng rỡ sau khi dần lột xác, trở thành biểu tượng tội phạm của toàn Gotham khiến khán giả cũng không thể rời mắt.

Bên cạnh kịch bản xuất sắc với kết cấu chặt chẽ được chắp bút bởi Todd Philips và và Scott Silver, âm nhạc trong phim được sử dụng rất tinh tế, phù hợp với mạch cảm xúc của nhân vật và khớp nối hoàn hảo với từng khung hình. Những bản nhạc jazz quyến rũ và những giai điệu hung tráng như “Smile” của Jimmy Durante, “Laughing” của The Guess Who, “Send in the clowns”, “That’s life” của Frank Sinatra… được nhà soạn nhạc Hildur Guðnadóttir phối lại với nhiệm vụ kết nối diễn biến tâm lý của Joker đã tạo hiệu ứng cảm xúc đặc biệt. Bên cạnh đó, phần hóa trang mang đến tạo hình Joker đẹp dù ở bất kỳ khoảnh khắc nào.

Thành công của “Joker” còn phải kể đến ngôn ngữ điện ảnh đỉnh cao. Trong phim, hình ảnh chiếc cầu thang được lặp đi lặp lại. Thông thường, cầu thang biểu tượng cho sự đi lên, một mục tiêu, sự hy vọng trong cuộc đời của mỗi con người. Nhưng trong Joker tất cả mọi thứ hoàn toàn đảo lộn. Mỗi ngày, Arthur bước lên cầu thang một cách mệt mỏi, nản chí, màu sắc luôn tăm tối và xanh lạnh lẽo chủ đạo, cho dù đó là trở về với chính gia đình duy nhất của mình. Còn những lúc bước xuống cầu thang là lúc Arthur cảm thấy được là chính mình, một gã hề có cuộc tràn ngập ánh sáng rực rỡ, ấm áp. Góc quay trong phim cũng được trau chuốt rất kĩ. Những phân cảnh cận mặt rất sáng tạo đặc tả tâm lý của Arthur Fleck cũng như hành trình thay đổi tạo nên Joker. Dụng ý màu sắc cũng là một trong những điểm sáng của phim. Thước phim ám xanh hoài cổ làm nổi bật sự chênh lệch giàu nghèo của thành phố Gotham lúc bấy giờ. Gotham đen tối đến mức khiến người ta rợn người. Tệ nạn, bạo loạn chính trị và tất cả những gì kinh khủng nhất bao trùm lấy Gotham. Sự tương phản giữa màu sắc u ám của cả bộ phim và tông màu trắng chủ đạo tràn ngập ánh sáng rực rỡ của cảnh cuối khi Joker bị nhốt ở viện tâm thần cho thấy sự chuyển hoá hoàn toàn, Arthur Fleck yếu đuối đã không còn mà thay vào đó là “Hoàng tử tội phạm” của Gotham, kẻ phản diện nguy hiểm nhất của vũ trụ điện ảnh DC.

Nhưng trên tất cả, đó là diễn xuất phi thường của Joaquin Phoenix. Thật khó có thể so sánh phiên bản Joker của Joaquin Phoenix với Heath Ledge phiên bản nào hay hơn, nhưng ko thể phủ nhận cả 2 đã thể hiện quá hoàn hảo hình tượng “Hoàng tử tội phạm Gotham” kinh điển. Joker của Joaquin Phoenix không doạ người bằng bút chì, cũng không khiến cho cư dân Gotham quỳ xuống bằng bong bóng chứa khí gây cười. Joaquin Phoenix toả sáng với một Joker đáng sợ bởi chính sự đồng cảm giữa con người với con người khi sự chuyển hoá nội tâm được biểu lộ ra bên ngoài. Với biểu cảm đa dạng, lỗi diễn ma mị, Joker của Joaquin ám ảnh người xem ngay cả khi chưa đắp lên mặt lớp trang điểm kinh dị.

Thân hình gầy gò đáng sợ, cử chỉ của nhân vật Arthur (Joker) được Phoenix thể hiện một cách hoàn hảo, khiến người xem cảm nhận được trọn vẹn những đau đớn, tổn thương tâm lý dồn nén mà Arthur phải chịu đựng ngay chỉ từ vài phút đầu tiên của phim. Cảm xúc nức nở bật ra một cách méo mó trong tiếng cười đến từ tận cùng sự bế tắc như lôi từ trong tâm can của một kẻ quá khốn khổ và cô độc. Lời thoại đơn giản cũng được Joaquin Phoenix xử lý tinh tế, tạo nên nhiều chuyển biến trong nhân vật Arthur Fleck. Và rồi khoảnh khắc huy hoàng, rực cháy của Joker trong những phân cảnh nhảy múa độc diễn đầy mê hoặc khiến chúng ta tin rằng gã hề điên loạn này không phải là một kẻ thất bại bị dồn đến đường cùng bỗng bộc phát thành tên tội phạm mà là một nghệ sĩ đích thực.

“Không có một diễn viên Mỹ nào có thể sánh được với bất kỳ thứ gì của anh ấy, từ chất lượng diễn xuất, sức hấp dẫn cho tới phong cách.” Người ta thấy được sự từng trải và sự cống hiến, hy sinh bản thân hết mình phục vụ nghệ thuật chính là những yếu tố khiến Joaquin tái hiện Joker một cách hoàn hảo nhất. Phoenix đã nhận lấy vai diễn Joker như một thử thách: “Mọi thứ bắt đầu trở nên quá sức tưởng tượng khi tôi dần biến thành Joker nhưng đó cũng là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của tôi. Chúng tôi mất gần 8 tháng để khám phá con người này. Rất khó để nhìn thấu được tâm tính của Joker”, anh chia sẻ về quá trình nhập vai của mình tại Liên hoan phim quốc tế Toronto.

Nổi tiếng với lối diễn xuất "full-on method acting", Joaquin đã phải giảm đến 23kg và ăn mỗi ngày chưa đến một trái táo để có được thân hình gầy gò đến lộ ra cả xương sườn, xương bả vai, gương mặt như bị thiêu rụi bởi những biểu cảm tiêu cực của Arthur Flecker. Lông mày đen với đôi gò má nông ảm đạm, cái miệng với nụ cười đến mang tai dẻo như cao su, như đang giễu cợt nhân tình thế thái. Phoenix kiểm soát tất cả những thứ đó một cách tài tình. Anh đã sống với nỗi buồn và sự tuyệt vọng của Arthur Fleck.

Trong quá trình xây dựng nhân vật, Phoenix không để cái bóng của những diễn viên đã thủ vai này trước kia ảnh hưởng đến phong cách của mình. Thay vì tìm tới những cửa hàng truyện tranh và xem lại phim về gã hề tội phạm, anh đào sâu nghiên cứu từ những siêu phẩm kinh điển “The Man Who Laughs”, “Taxi Driver”, “King of Comedy”. Nam diễn viên dành hàng giờ để đọc các tài liệu về tội phạm chính trị, xem video về các bệnh nhân mắc hội chứng “Pathological laughter and cry” (rối loạn kiểm soát việc khóc và cười) và nhốt mình để tập diễn cảnh cười điên loạn của gã hề Joker. Màn trình diễn rùng rợn, quái dị của Phoenix từ khi Joker còn non nớt cho đến khi trở nên ma quái khiến khán giả và giới phê bình trầm trồ thán phục. Và sẽ không nói quá rằng Joaquin đang khắc tên mình lên tượng vàng Oscar 2020 kể từ giờ phút nhận vai này.

Lựa chọn cái tên Phoenix, với hy vọng như “phượng hoàng hồi sinh từ trong tro tàn”, DC đã không khiến người hâm mộ thất vọng. “Joker” thực sự không chỉ dừng lại ở tuyệt tác điện ảnh, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của thương hiệu truyện tranh này mà còn hứa hẹn sẽ trở thành chuẩn mực mới thay đổi dòng phim siêu anh hùng mãi mãi./.

0 nhận xét:

Post a Comment

 

Day Noi Mi | Hoc Noi Mi | Noi Mi Dep | Noi Mi Lan Anh | Dạy Nối Mi | Day Noi Mi Mat | Day Noi Mi Dep Tu Nhien | Day Noi Mi Ha Noi | Day Ve Mong