Hoa lửa Truông Bồn-Khi nghệ thuật hóa thân lịch sử ~ Dạy Nối Mi Hà Nôi

Monday, January 28, 2019

Hoa lửa Truông Bồn-Khi nghệ thuật hóa thân lịch sử

Sự kiện lịch sử bi hùng trôi qua đã 50 năm, khi 13 chiến sỹ thanh niên xung phong (11 nữ, 2 nam) của Tiểu đội 2 (gồm 14 chiến sỹ), Đại đội 317, Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An kiên cường bám đường đến phút chót cuộc chiến tranh và anh dũng hy sinh ở tọa độ lửa Truông Bồn sáng ngày 31/10/1968, thời khắc mà chỉ mấy tiếng đồng hồ nữa (ngày 1/1/1968), Lệnh tạm dừng ném bom miền Bắc Việt Nam của Tổng thống Mỹ có hiệu lực. Họ, những người đang còn ở độ tuổi thanh xuân ấy, đã không đến kịp khoảnh khắc hòa bình cận kề. Họ trở thành biểu tượng anh hùng cao đẹp, như biết bao tấm gương cao cả của dân tộc ta trong sự nghiệp bảo vệ đất nước, thống nhất non sông, xây dựng Việt Nam giàu mạnh, trường tồn. Bấy lâu nay, nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng đã có nhiều tác phẩm viết về đề tài lịch sử, về Tiểu đội Cảm tử Truông Bồn, Tiểu đội Thép Truông Bồn, nhưng ở loại hình sân khấu, chỉ đến khi “Hoa lửa Truông Bồn” xuất hiện, mới góp mặt tác phẩm đầu tiên. 

hoa lua truong bon-khi nghe thuat hoa than lich su hinh 1
Một cảnh trong vở kịch hát Hoa lửa Truông Bồn (Ảnh: Vũ Toàn)

1. Trước hết nói về kịch bản 

Vượt qua những khó khăn do phần lớn các nhân chứng đã hy sinh, đã già yếu, những hạn hẹp về tư liệu, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã vận dụng sự am hiểu về lịch sử (chứng tỏ qua các vở kịch “Chuyện tình Khau Vai”, “Mai Hắc Đế”, “Hừng Đông”, “Thầy Ba Đợi”..) đã dụng công chắp nối các sự kiện, tình tiết lịch sử, nhân vật lịch sử, khái quát hóa thành tính thời đại, tính điển hình, tính chân thực, tính lý tưởng để viết nên “Hoa lửa Truông Bồn”. Kịch bản vở diễn: PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ; Chuyển thể dân ca Nghệ Tĩnh: Nguyễn An Ninh; Đạo diễn: NSND Lê Hùng; mÂm nhạc: NSUT Đình Đắc; Họa sỹ : NSUT Doãn Bằng; Chỉ huy dàn nhạc: Minh Văn; Chỉ đạo nghệ thuật: NSND Hồng Lựu; do Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ dàn dựng, biểu diễn, đã đem lại nhiều xúc cảm thẩm mỹ và hiệu ứng bất ngờ cho khán giả sau 3 đêm diễn liên tục tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (20, 21, 22/1/2019).

“Hoa Lửa Truông Bồn” là một kịch bản văn học khái quát về những con người, một lớp người của một thời kỳ lịch sử. Tác giả đã kể lại, qua bốn lớp  vở, phục dựng lại câu chuyện về những chiến sỹ TNXP, bộ đội, người dân hết sức sống động và hấp dẫn. Họ như đang sống cùng chúng ta, bên ta, với ta, cùng ăn ở, nói cười, trêu đùa, yêu thương, hờn giận và, ham muốn. Trước khi trở thành những người anh hùng, một đơn vị anh hùng nổi tiếng thì họ cũng bình dị như ta, họ có trong ta, ta có nhiều điều giống họ. Đó là cách khắc họa hình tượng những người anh hùng tự nhiên, tự tại, sống động, gần gũi, như những đóa hoa đang thì mơn mởn. Đó cũng là yêu tố đầu tiên, bút pháp quan trọng, cốt tử làm nên tính hấp dẫn, xúc động, thẩm mỹ, giàu tính thuyết phục của “Hoa lửa Truông Bồn”. 

Như vừa nêu, Nguyễn Thế Kỷ tỏ ra là người có tài khi ông thử sức mình để dựng lại lịch sử mà không đóng khung trong bối cảnh, tình tiết khô cứng, công thức, thậm chí giáo điều. Kịch bản “Hoa lửa Truông Bồn” tiếp tục cách nghĩ, cách nhìn, cách tái hiện lịch sử; nhận thức và khắc họat đúng đắn Bản chất Con người của một thời đại anh hùng, một thế hệ anh hùng. Trong kịch bản “Hoa lửa Truông Bồn” lần này, ông vẫn chủ trương khai thác mặt đời thường của các nhân vật. Sự dẫn chuyện của kịch bản giúp khán thính giả rõ hơn, gần gũi hơn một thế hệ đã sống và chiến  đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì mái nhà bình dị nơi thôn dã. Kịch bản không chú tâm, không lệ thuộc vào các chi tiết phản ánh tính khốc liệt của chiến tranh, của mưa bom, bão đạn. Câu chuyện Truông Bồn trước hết là câu chuyện chân thực đi sâu vào tâm hồn trong trẻo của tầng lớp thanh niên đã tình  nguyện dấn thân vào cuộc chiến khốc liệt. Hướng khai thác vào chiều sâu tâm hồn con người, tác giả kịch bản đã dựng lại được cả Tâm hồn thế hệ, những lớp người rất trẻ, chân quê và bình dị ấy đã yêu và sống  ra sao. Chính thủ pháp này, sự chủ đạo xuyên suốt trong bút pháp kịch bản đã tạo nên của vệt đi riêng của Nguyễn Thế Kỷ. Nó, việc xây dựng tuyến nhân vật, khi khai thác rất chủ tâm tâm lí nhân vật, nhấn vào bản chất con người Việt từ trong sinh hoạt, trong mơ ước và khát vọng bình thường với những mối tình  cụ thể mà “Hoa lửa Truông Bồn” đề cập, đã không chỉ làm nên tính chân thực đầy tính thuyết phục cho khán giả hôm nay (nhất là cho giới trẻ khi nhìn lại quá khứ, khi nhìn lại về những người anh hùng của một thời đã xa) mà còn tô đậm nhân vật trở thành  Nhân vật điển hình của văn học và sân khấu tạo đà hợp lí khi hành vi và phẩm chất anh hùng xuất hiện. Họ cũng y hệt  như những con người giới trẻ hôm nay, trong sự thử thách của thời thế, của lịch sử, đã đi theo tiếng gọi của dân tộc trong nỗi “Sơn hà nguy biến” mà vụt hóa làm nên những hành động phi thường, tạo nên bản anh hùng ca Truông Bồn bất tử. Nhiều chi tiết rất đời thường đã được tác giả khai thác trong đời sống đã diễn ra của lớp thanh niên một thuở, được Nguyễn Thế Kỷ đưa vào kịch bản. Ví dụ như niềm tin không gì lay chuyển của nhân vật Thông về sự bất tử của người yêu mình đang ở chiến trường, cô không tin và chưa bao giờ tin người yêu của mình đã hy sinh, kể cả khi đã có giấy báo tử. Ví dụ như khát vọng yêu thương ân ái giữa chiến trường khói lửa của Tâm và Hòa, hai chiến sỹ TNXP đã đính hôn. Những chi tiết ấy đã trở thành những nét rất thuyết phục mà gây ấn tượng mạnh mẽ trong kịch bản v.v...Những điều ấy không chỉ làm vở diễn sinh động, mềm mại, mà nó lại là điều gần gũi, cận sự thật, phản ánh cái góc sâu tâm hồn mà lý giải hành vi anh hùng nơi mặt trận. Đó là những con người trước và khi ra trận rất bình thường mà vụt có hành vi anh hùng, khi sự thử thách mà vận mệnh đất nước đòi hỏi. Nghệ thuật dựng nhân vật, dẫn chuyện ở kịch bản của Nguyễn Thế Kỷ với hướng tìm tòi thể hiện này, tạo nên sức cuốn hút, tính thuyết phục khán giả “tin vào một sự thật” đã có. Ngay cả trong bối cảnh của bao nhiêu sự tích, bao nhiêu con người dũng cảm, anh hùng ấy, cũng xuất hiện những nhân vật tầm thường, thậm chí hèn nhát, bần tiện như Tuấn. Tuấn vận động hết người này đến người kia, từ nam chí nữ đi bộ đôi, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, còn mình phải có “trách nhiệm” ở lại hậu phương để “lãnh đạo phong trào”. Sau này, vẫn bằng con đường lươn lẹo, dùng đồng tiền và hai đầu gối để tiến thân, Tuấn đã tiến thân được. Oái ăm thay, lại là người làm công tác chính sách kiêm…tuyên truyền. Chính thi pháp ở lối dựng vở này giúp cho toàn bộ huyền thoại về anh  hùng trở nên gần gũi hơn,  “đời” hơn, thật hơn; nó không chỉ đưa người đọc tin yêu, ngưỡng vọng một câu chuyện của lịch sử, mà còn lý giải hết thuyết phục cái chân lý đơn giản về sự bất tử của tình yêu với đất nước, dân tộc vốn  xuất phát từ cái gốc rất nhỏ của con người. Những cô gái và chàng trai Truông Bồn hồn nhiên yêu tổ quốc và sẵn sàng  hy sinh được phát triển ở  kịch bản trên cái gốc sâu bền của con người Việt, từ cái gốc  tình yêu quê hương, Tổ quốc bắt nguồn từ tình yêu làng xóm, gia đình, khát vọng đôi lứa rất cụ thể của con người.
Tôi cho rằng, đây là hướng đi đúng đắn, sáng giá, mà tác giả kịch bản đã làm nên sự thành công có tính cốt lõi của tác phẩm. Điều này không chỉ là bài học cho lĩnh vực sân khấu, nó là bài học có tính quy luật, đã thành kinh viện trong cả lĩnh vực văn học, khi tạo ra tác phẩm đụng đến đề tài lịch sử, bàn về tính anh hùng ca trong đời sống loài người. 
Chính từ nhận thức có tính kinh điển như vậy, khi bàn về con người thời cuộc,  “Hoa lửa Truông Bồn” là vở kịch hát giàu tính khái quát, khái quát về thời đại, khái quát về tâm hồn, con người thời đại, tạo nên hình ảnh có tính  điển hình, rất hợp lí, không thi vị hóa cuộc chiến mà vẫn làm nên một dư chấn tình cảm không nhỏ trong lòng người xem hôm nay qua cái nhìn về một giai đoạn lịch sử đã qua.

Có thể sự đúng hướng của kịch bản văn học nói trên mà nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc đã nhận xét về giá trị tư tưởng mà vở kịch hát đạt được:  “...Tuổi trẻ, lòng quả cảm, sự hy sinh, tình yêu và khát vọng hoà bình...là thông điệp của vở diễn gửi tới chúng ta hôm nay - hãy luôn trân trọng quá khứ vẻ vang của dân tộc, tự hào và biết ơn những con người đã lấy máu, mồ hôi, mước mắt mình viết lên trang sử anh hùng của dân tộc..."

Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên là một phóng viên chiến trường, cũng đánh giá: "Một vở diễn hết sức xúc động. Hoàn cảnh điển hình, tính cách điển hình và tình huống cũng điển hình. Không có tầm hiểu biết, năng lực nghệ thuật và tình yêu quê hương thì không thể viết được kịch bản này".

2. “Hoa Lửa Truông Bồn” vừa dân tộc vừa hiện đại

Từ kịch bản văn học của Nguyễn Thế Kỷ, nghệ sỹ Nguyễn An Ninh đã chuyển thể dân ca Nghệ Tĩnh và Đạo diễn, NSND Lê Hùng dàn dựng thành vở kịch hát “Hoa lửa Truông Bồn”. Câu chuyện lịch sử về một địa danh, một đơn vị anh hùng ở xứ Nghệ có khai từ và 4 lớp kịch được kể lại, hồi tưởng rất sống động và xúc động. Các nghệ sĩ thoại và hát với chất giọng Nghệ An thuần khiết, chân chất, biểu cảm, lại sử dụng đắc địa những làn điệu dân ca hay nhất của xứ Nghệ đã làm ra nét duyên riêng, không lẫn với vùng nào khác. Tôi vốn người Bắc, không dám bắt chước cách nói năng của người Nghệ, nhưng khi nghe họ nói, về cơ bản, tôi vẫn hiểu cả nghĩa và sắc thái biểu cảm. Một anh bạn văn người Nghệ, hôm xem vở diễn đã khen mấy diễn viên của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ: “Hát hay, ca ngọt, đậm, mặn mòi và nói thì tiếng huyện mô rõ đặc dính huyện nớ”. Xong vở diễn, tôi hỏi Nguyễn Thế Kỷ “Sao tác giả không “Bắc hóa” hay “phổ thông hóa” cách thoại của các nhân vật ?” Nguyễn Thế Kỷ cười mà rằng “Nói năng, giao tiếp, cách phát âm, cả thổ ngữ, phương ngữ nữa...là những nét văn hóa rất đáng coi trọng, riêng có của từng vùng miền, sao lại phải “hóa” này “hóa” nọ. Mình bây giờ mà nhại tiếng Hà Nội thì mọi người sẽ nghĩ sao, còn trợn mắt lên ấy chứ. Vậy thì cứ để các diễn viên nói đúng như tiếng của nhân vật lúc sinh thời.“ À, ra thế, lại một điều cần ghi nhận của vở diễn.

GM_PC_ARTICLE_NATIVE_ADS

Hoa Lửa Truông Bồn với sự chọn lựa biểu diễn của các nghệ sĩ thuộc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ là sự chọn lựa hợp lí.  Bởi Câu chuyện về những người thanh nữ anh hùng đã xảy  ra ở miền riêng Truông Bồn, vì thế đã tạo nên nét riêng không trộn lẫn với miền đất khác mà vẫn nếu rõ tính chất chung của khí thể cả nước của một thời cả nước lên đường đi đánh Mỹ. Chúng tôi những người cựu chiến binh đã lăn lộn với miền Trung  đã gặp lại ở vở diễn này những em gái TNXP ngày xưa. Tựa như thuở nào, Phạm Tiến Duật gặp họ: Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là “Thạch Nhọn. “Hoa lửa Truông bồn” đã tái hiện lại một thời hoa lửa, ấy là sống lại khí thế cách mạng trong một đặc thái riêng của Nghệ An tạo thêm tính gần gũi, giàu sức thuyết phục đối với khán, thính giả.

Chính vì thể, cả ba đêm công diễn liên tục tạo nhiều xúc cảm, ghi dấu ấn một vở diễn rất thành công, mang đậm dấu ấn riêng  về một câu chuyện anh hùng của miền Trung lịch sử.

GM_PC_ARTICLE_INPAGE_BANNER

Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh ấy được NSND Lê Hùng  dàn dựng kết hợp nhuần nhuyễn với sân khấu hiện đại đầy ước lệ, kĩ thuật hiện đại như sự kết hợp với màn hình led, mỹ thuật, âm thanh, khói lửa, phim ảnh tư liệu đúng cảnh  huống tạo nên sự  hợp nhuần nhuyễn của hơn 4 lớp chuyện tạo nên sự theo dõi rất cuốn hút cho khán giả. Từ kịch bản tới dàn dựng hợp cảnh hợp người pha trộn với dân ca Nghệ Tĩnh, một mặt tạo nên vở diễn vừa dân tộc vừa hiện đại, mặt khác sân khấu hiện đại thích hợp cho sự biểu diễn hôm nay, đã tạo hiệu  ứng không  nhỏ cho vở, khi các yếu tố kĩ thuật cùng hỗ trợ nhau, gây nên những dư chấn tình cảm lớn cho người xem, dù “Hoa Lửa Truông Bồn” không chủ tâm tạo ra bi kịch để đong nước mắt của khán giả. Chính những chi tiết có tính anh  hùng ca của vở diễn và những  biểu đạt rất thành công của các nghệ sĩ đã tạo nên những xúc động chấn động lớn cho khán giả. Rất nhiều khán giả, kể cả những nam giới dày dạn khói lửa chiến tranh như nhà văn lớn tuổi Trần Mai Hạnh và tôi đều không cầm được nước mắt khi theo dõi các tình  huống của kịch bản, trong sự diễn vai khá đạt của nghệ sĩ, tái hiện sống động tấm gương sự hy sinh quên mình của những nam, nữ thanh niên xung phong và bộ đội ở Truông Bồn thời đánh Mỹ.

Bàn về vở diễn “Hoa lửa Truông Bồn”, từ kịch bản đến chuyển thể và dàn dựng với sự vào vai rất xuất sắc của các diễn viên như NSND Hồng Lựu vai Trần Thị Thông (khi tuổi đã cao); NSUT Minh Tuệ vai Diên (khi tuổi đã cao); NS Thiên Huế vai Trần Thị Thông (lúc trẻ); NS Minh Thông vai Hoà; NS Minh Thành vai Tâm; NS Mai Kiên vai Tuấn; NS Duy Thanh vai Diên (lúc trẻ); NS Trung Đức vai Hạp; NS Hoài Sinh vai Vinh; NS Thanh Mai vai Hường; NS Quang Sáng vai Thắng bộ đội lái xe Trường Sơn v.v... PGT,TS nghệ thuật Nguyễn Văn Thành nhận xét: "Một vở diễn thành công trên nhiều mặt: kịch bản hay và giỏi; đạo diễn gạo cội, sáng tạo, xử lý các tình huống kịch rất chắc tay; diễn viên tâm huyết, giàu cảm xúc, diễn rất có hồn; biết kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống với sự hỗ trợ của phương tiện hiện đại như màn hình led, mỹ thuật, âm thanh, khói lửa, phim ảnh tư liệu...Lâu rồi, mới thấy một vở kich hát truyền thống hội đủ ái, ố, hỉ, nộ đến thế, lấy được nhiều nước mắt và cả nụ cười, tiếng vỗ tay, tiếng khen thực lòng như thế..". Đúng như vậy, họ diễn mà không diễn, họ đã rất tự nhiên hóa thân vào nhân vật của mình, vào cảnh sắc quê hương mình, vào khát khao chân, thiện, mỹ của chính họ.

3. Từ Lịch sử tới Nghệ thuật cần một tấm lòng

Ba đêm công diễn vở kịch hát “Hoa Lửa Truông Bồn” đã lôi kéo rất nhiều khán giả ngồi chật ních trong Nhà hát của Đài Tiếng nói Việt Nam. Khán giả từ trẻ đến những người từng tham gia trận mạc đều chăm chú theo dõi, vỗ tay tán thưởng và có nhiều phút rưng rưng xúc động. Đó là điều hiếm hoi đáng khích lệ cho sân khấu hôm nay, ngay từ khâu kịch bản, tác giả tránh được những giáo điều khô cứng, minh họa dễ dãi khi khắc họa bản anh hùng ca về những người anh hùng. Vở diễn ra mắt đúng với dịp kỷ niệm 50 năm Ngày hy sinh của 13 TNXP anh hùng Truông Bồn tựa như nén tâm hương tri ân những người đã khuất.

Tâm sự với tôi, PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ nói:  “Trong 13 người hy sinh ở Truông Bồn có 9 người quê hương Yên Thành của tôi. Ngày đó, cha tôi - một thương binh nặng thời chống Pháp là Chủ tịch huyện Yên Thành. Cha tôi cũng đội mưa bom, bão đạn, lăn lộn với cán bộ, quân và dân huyện nhà để sản xuất và chiến đấu chống Mỹ. Tôi còn nhớ như in khuôn mặt đau đớn tột cùng của ông khi nhận được tin những anh hùng của Tiểu đội Thép Truông Bồn đã hy sinh”.  Như vậy một sự kiện lịch sử, những con người lịch sử, những tình huống lịch sử đến nghệ thuật hẳn có cội gốc của nó. Tạo ra được một văn bản có tính  nghệ thuật, thuyết phục được người đọc và người xem hẳn là con đường chẳng dễ dàng và lời tâm sự trên khẳng định một điều đơn giản rằng, tác giả kịch bản và cả đội ngũ nghệ sĩ đã có sự liên hệ rất sâu nặng với những người đã khuất, với trang sử bi hùng hôm qua. 

“Hoa Lửa Truông Bồn” mang lại thông điệp đầy ân nghĩa cho thế hệ hiện tại và hẳn nó làm không ít người cầm bút suy nghĩ rằng từ lịch sử tới nghệ thuật, khi muốn có sự hóa thân để xây dựng hình tượng văn học, nghệ thuật chính phục được công chúng thì ngoài vốn sống, tài năng, rất cần một trái tim ấm nóng và sự lao động hết sức nghiêm túc của người cầm bút./.     

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

PC_Article_AfterShare_1

0 nhận xét:

Post a Comment

 

Day Noi Mi | Hoc Noi Mi | Noi Mi Dep | Noi Mi Lan Anh | Dạy Nối Mi | Day Noi Mi Mat | Day Noi Mi Dep Tu Nhien | Day Noi Mi Ha Noi | Day Ve Mong